Những lý do nhảy việc sai lầm
Môi trường làm việc luôn thay đổi và nhiều lựa chọn như hiện nay khiến chuyện nhảy việc không còn là điều gì quá ghê gớm như trong quá khứ. Đôi khi đó là nước đi cần thiết để bạn nâng cao chất lượng đời sống và tìm đường thăng tiến trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu chính đáng vẫn có những nguyên do sai lầm khiến bạn phải hối hận sau khi nhảy việc.
1. Nhảy việc vì áp lực tinh thần:
Nếu công việc thực sự khiến tinh thần bạn căng thẳng cực độ và ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, dừng lại và tìm hướng đi mới là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ đó là tình trạng kéo dài hay có thể chỉ là những khủng hoảng trong giai đoạn đầu. Khi mới bắt tay vào một việc làm mới, khủng hoảng tâm lý là phản ứng dễ thấy ở mọi người, nhất là các bạn trẻ mới lần đầu đi làm. Khi công việc chưa vào guồng, kĩ năng còn thiếu, bạn sẽ hình dung mọi thứ như một mớ bòng bong khổng lồ, bạn sẽ lúng túng, mệt mỏi, và mang tâm trạng u ám kiểu:”Mọi việc cứ tiếp diễn thế này mãi sao?” Nếu bỏ việc ngay giai đoạn này, bạn sẽ tạo một tiền lệ xấu cho bản thân, trong tương lai bạn sẽ khó trụ lại lâu ở bất kì công việc nào khác, vì ngành nghề nào cũng tồn tại những khó khăn riêng. Hãy kiên nhẫn một chút, các khó khăn ban đầu sẽ qua nhanh khi bạn bắt đầu hiểu được bản chất của công việc và tìm ra những cách hoàn thành nhiệm vụ mà tốn ít sức lực hơn. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần đến một tháng, sau khi cầm được lương tháng đầu, bạn có thể sẽ thấy mọi thứ không quá ghê gớm như mình vẫn tưởng.
2. Nhảy việc vì tiền:
Bạn đi làm nhưng nói rằng mình làm không vì tiền thì chả thể nào tin được! Đồng ý tiền là một trong những lý do chính khiến chúng ta đi làm, nhưng đó chưa phải là tất cả, đặc biệt nếu bạn đang là một lao động trẻ. Thời gian khoảng từ 20 đến 30 tuổi là lúc mà bạn nên ưu tiên việc học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ hơn chuyện tiền nong. Một người thành đạt phải có tầm nhìn dài, muốn chặt ngã một thân cây, hãy dùng 8/10 thời gian để mài chiếc rìu cho bén và dùng 2/10 còn lại để chặt cây. Nếu lương, thưởng là ưu tiên hàng đầu của bạn trong công việc, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội rèn dũa bản thân để đạt được thành tựu cao hơn trong tương lai. Trong thị trường có 2 loại công ty: loại 1 trả lương cho bạn rất cao nhưng sẵn sàng sa thải bạn nếu làm không được việc, loại 2 có thể trả thấp hơn nhưng sẽ đào tạo cho bạn từ đầu. Nếu cảm thấy bản thân đã đủ “chín” nghề, bạn cứ tự nhiên tìm đến những công ty loại 1, nhưng nếu chỉ là một sinh viên mới ra trường hoặc còn là lính mới tò te trong lĩnh vực, hãy chọn công ty loại 2 để học hỏi trước khi tiến đến loại
3. Nhảy việc vì không ưa đồng nghiệp:
Nói đến các vấn đề đau đầu nơi công sở, có lẽ không ai không nhắc đến các mâu thuẫn nảy sinh, chuyện bằng mặt không bằng lòng giữa đồng nghiệp với nhau. Nếu bạn đang gặp rắc rối với đồng nghiệp, muốn chuyển chỗ làm cũng là chuyện dễ hiểu. Dù thế, bạn cũng nên xem xét cải thiện tình hình hoặc giảm thiểu tác động của mối quan hệ trước khi quyết định rời đi, vì đó chỉ là giải pháp cuối cùng. Anh hùng và tiểu nhân ở đâu cũng có, bạn có chắc là mình sẽ không gặp lại những rắc rối này ở chỗ làm mới không? Hơn nữa, một tập thể không thể nào tránh khỏi mâu thuẫn nội bộ, vấn đề là bạn chấp nhận nó được đến đâu! Vấn đề không hẳn chỉ xuất phát từ đồng nghiệp mà có thể thêm sự góp phần của bạn nữa, mà những gì bản thân mình gây nên thì chính mình cũng có thể cải thiện!